Interior Design as Corporate Design

  

 

 

THIẾT KẾ NỘI THẤT MANG TÍNH CHIẾN LƯỢC CHO THƯƠNG HIỆU.

Không gian chứa đựng tiềm năng để tương tác với khách hàng và giúp tạo bản sắc riêng của một thương hiệu. Ngay khi chúng ta bước vào một không gian, nó tạo ra ngay ấn tượng đầu tiên, và khoảnh khắc đó là thứ mà chúng ta có thể khai thác như một phần của chiến lược tiếp thị, lúc đó không gian trở thành một công cụ tương tác 3 chiều đầy quyền lực. Qua việc kiến tạo ra những không gian để phù hợp với một nhóm đối tượng xác định, kể cả họ có là những khách hàng hay nhà đầu tư tiềm năng hay không, thì một không gian nội thất luôn đóng góp cho thành công của một thương hiệu.

Một yếu tố quan trọng ở đây cần xác định rõ, đó là các đối tượng thương hiệu khác nhau đòi hỏi việc lên chiến lược thiết kế khác nhau. Thiết kế một không gian văn phòng cho một doanh nghiệp nào đó sẽ hoạt động ổn định trong cả chục năm tới, sẽ khác với thiết kế một gian hội chợ thương mại diễn ra trong 5 ngày hay thiết kế cho một cửa hàng mà có kế hoạch làm mới hình ảnh sau mỗi 3 năm một. Thiết kế định hướng thời cuộc thì sẽ có chiến lược khác với thiết kế định hướng lâu dài.

Trong nội thất nhà ở, “xu hướng” được biểu hiện dưới hình thức của một phong cách hay vẻ ngoài (Industrial, Scandinavian, traditional …) hay việc sử dụng màu sắc, vật liệu. Tuy nhiên, trong vấn đề xây dựng thương hiệu, nội thất sẽ định nghĩa ra xu hướng bởi khi nó được sử dụng như một công cụ tiếp thị, nó sẽ làm cho văn hóa thương hiệu đó trở nên hữu hình ba chiều.

Thiết kế thương hiệu thường bị hiểu một cách hời hợt theo hướng thiết kế mang tính chất hai chiều như hình ảnh logo, business card, form giấy tờ, website…  mà thường thiếu đi một nỗ lực tạo ra các yếu tố thuyết phục mang tính chất ba chiều. Những bản tiếp thị nhạt nhẽo hay những không gian bị thừa mứa những logo, bảng biển sẽ không thể làm cho không gian nội thất của thương hiệu đó trở nên độc đáo được. Để chuyển tải thành công hình ảnh thương hiệu đó từ hai chiều lên một trải nghiệm thương hiệu ba chiều  đòi hỏi những yếu tố mà có thể biểu thị và diễn tả linh hồn của thương hiệu đó qua không gian, làm cho nó trở nên hữu hình. Đối với điều nay, cần có sự nghiên cứu nghiêm túc trong thiết kế để khéo léo đan xen những câu chuyện về các sản phẩm hoặc doanh nghiệp vào yếu tố nhận diện trong dự án.

Hình thức, chất liệu, màu sắc, ánh sáng, kết cấu, trải nghiệm của tất cả các giác quan (chạm vào, nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy…) đều có thể giúp xác định bản sắc không gian nội thất của một doanh nghiệp, củng cố mối liên hệ của khách hàng với nhận diện thương hiệu đó qua trải nghiệm của họ. Đó là lý do để thiết kế nội thất phải chiếm một dòng trong list hạng mục quan trọng cần đầu tư khi lên chiến dịch xây dựng thương hiệu.

Trong hầu hết các trường hợp, nhiều doanh nghiệp thường tập trung chủ yếu vào việc cải thiện khả năng hiển thị bên ngoài của thương hiệu hơn là quan tâm đến tiềm năng của nội bộ, về  lợi ích của việc động viên và nâng cao ý thức của chính nội bộ đội ngũ nhân viên, mà điều này thể hiện rõ nhất qua chất lượng không gian làm việc.

Nội thất định hướng thương hiệu là một tất yếu trong hoàn cảnh đổi mới liên tục của thị trường và yêu cầu ngày cao từ khách hàng. Một điểm đặc biệt được các doanh quan tâm mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay, đó là việc nâng cao chất lượng tương tác trực tiếp với khách hàng. Một không gian nội thất độc đáo và riêng biệt sẽ là một phương tiện hữu hiệu, tạo một xung lực mới để khách hàng có thể giao tiếp và phân biệt nhận diện của một thương hiệu. Xin lấy ví dụ, một quán cà phê, một nhà hàng tạo nét riêng cho mình qua chiến lược định hướng để cho khách hàng cảm nhận được ở nơi đó cung cấp một phong cách sống, một văn hóa, một câu chuyện chứ không chỉ cung cấp dịch vụ đồ ăn hay đồ uống. Rõ ràng chiến lược này sẽ giúp doanh nghiệp đó chạm được tới cảm xúc và lấy được cảm tình của khách hàng nhanh chóng. Tuy rằng không phải yếu tố then chốt cho thành công của quán cà phê hay cửa hàng đó, nhưng rõ ràng đó là một bước đi thông mình và hợp lí trong việc tạo dựng thương hiệu, uy tín cho cửa hàng. Rõ ràng, thiết kế nội thất thương hiệu nên là một chiến lược có định hướng để đạt được “bản sắc thương hiệu”, một yếu tố mà, trong những tranh luận về chiến lược kinh doanh, nó nên được mọi người chú ý tới.

 

Comma Studio

Ảnh: Apple Store – Union Square , San Francisco, USA

Photo by Christie Hemm Klok/WIRED